Trang chủ / Sách Tùy bút - Biên khảo
cover ebook
 

ĐỂ HIỂU 8 BỘ TIỂU THUYẾT CỔ TRUNG QUỐC
Tác giả : Lương Duy Thứ.
Nxb Khoa Học Xã HộI, Nxb Cà Mau - 1990

Tám bộ tiểu thuyết cổ là :
- Tam Quốc chí.
- Thủy hử.
- Tây Du.
- Kim Bình Mai.
- Liêu Trai Chí Dị.
- Chuyện làng Nho.
- Đông Chu Liệt Quốc.
- Hồng Lâu Mộng.

được xem là những tác phẩm tiêu biểu của nền văn học cổ Trung Quốc.

Tác giả giáo sư Lương Duy Thứ, nguyên là Trưởng khoa Ngữ văn Trung Quốc Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh.

LỜI NÓI ĐẦU      
Ngọn gió "đổi mới" dấy lên từ Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam đã mang lại nhiều thay đổi cho đời sống tinh thần toàn xã hội. Trong không khí đó, cánh cửa giao lưu văn hóa được rộng mở. Hàng loạt tác phẩm Đông Tây kim cổ được ấn hành. Cùng với các tác phẩm ưu tú của văn học Nga, Xô Viết, văn học Phương Tây, Văn học Ấn Độ và Ả rập, văn học Mỹ La Tinh... Các bộ tiểu thuyết cổ Trung Quốc lần lượt được tái bản. Từ Bắc chí Nam đâu đâu cũng có bán Tam Quốc, Thủy Hử, Tây Du, Liêu Trai Chí Dị, Hồng Lâu Mộng v.v… Và phải nói rằng, các bộ sách này rất ăn khách. Đó cũng là điều dễ hiểu. Không chỉ ngày nay mà rất lâu về trước, các gia đình khá giả Việt Nam đều mua sẳn một bộ truyện Tàu để khi rỗi rãi thì ngâm nga giải trí. Ăn khách vì đó là những viên ngọc quí chung đúc trí tuệ và tâm hồn cả một dân tộc. Các bộ Tam quốc, Thủy Hử, Tây Du đều trải qua một quá trình thai nghén và hoàn thiện trong dân chúng có đến sáu bảy trăm năm. Ban đầu là những mẩu chuyện lưu hành trong dân gian, kế đó là chuyện kể của các nghệ nhân kể chuyện đời Tống và kịch bản của các nhà viết kịch đời Nguyên. Đến khi các nhà văn gia công chỉnh lý và hoàn thiện thì nó đã chung đúc tài năng và tâm huyết của biết bao tác giả có tên và không tên. Không phải chỉ ở Việt Nam mà ở các nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á, người dân bình thường cũng quen biết các tác phẩm này như thể người Ảrập quen biết Nghìn lẻ một đêm.
Còn Liêu Trai Chí Dị (Trung Quốc gọi là Đoản thiên tiểu thuyết) thì lại đưa ta vào một thế giới kì ảo, mới lạ khác thường. Trong cuộc đời đầy éo le trắc trở, người đọc có thể cùng với Bồ Tùng Linh hóa thân trong chốc lát để mơ màng, để hy vọng. Đọc Liêu Trai, thi sĩ Tản Đà đã phải thốt lên : Truyện Kiều bao nhiêu câu lục bát mà không câu nào giống câu nào ; Liêu Trai bao nhiêu truyện lớn nhỏ mà không truyện nào phảng phất truyện nào".
Khi đọc Hồng Lâu Mộng, ta có cảm giác tác giả đã viết bằng tất cả nước mắt khóc cho số phận hồng nhan. Quả vậy, mười hai cô thiếu nữ xinh đẹp đất Kim Lăng (tác phẩm còn có tên là Kim Lăng thập nhị kim thoa) không cô nào thoát khỏi "bạc mệnh". Cái tâm tư của Nguyễn Du : "Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như cũng chính là tâm sự của Tào Tuyết Cần khi ông hạ bút viết : "Đô Vân tác giả ai, Thùy giải kỳ trung vị ?".
Chung qui, tiểu thuyết cổ Trung Quốc là những viên ngọc quí của kho tàng văn học phương Đông, có một sức sống kì diệu, chấp nhận được sự thử thách của thời gian và có khả năng vượt biên giới một bước, đi sâu vào đời sống tinh thần nhiều dân tộc.      
Có điều, những tác phẩm này đều là sản phẩm tinh thần của lịch sử cổ trung đại, có những tư tưởng, những quan niệm xa lạ với đòi hỏi của cuộc sống hôm nay. Có thể tìm thấy khắp nơi tư tưởng mệnh trời của Nho giáo, tư tưởng yếm thế của Lão Trang, tư tưởng xuất thế của đạo Phật cũng như những quan niệm mê tín dị đoan trong việc lý giải các sự việc, các số phận.
Mặt khác, tiểu thuyết cổ Trung Quốc vốn bắt nguồn từ truyện Chí quái, Chí nhân, Chí dị, truyền kỳ xa xưa. Từ việc ghi chép những người, những việc quái dị đã hình thành một truyền thống khoa trương, phóng đại. Các nhân vật, đặc biệt là trong tiểu thuyết đời Minh, hầu như đều khác thường. Các sự việc miêu tả hầu như đều vượt quá tầm vóc hiện thực. Khuynh hướng đó làm nên phẩm chất anh hùng của tác phẩm và nhà Hán học Xô Viết V.I Sêmanốp đã gọi tiểu thuyết Minh là "Tiểu thuyết anh hùng" để phân biệt với "tiểu thuyết đời thường" ra đời vào thời Thanh. Nếu nhìn từ góc độ sự phát triển của một nền văn học thì đến "tiểu thuyết đời thường" phẩm chất hiện thực của tác phẩm mới được khẳng định đầy đủ hơn, bức tranh cuộc sống càng gần gũi hơn, con người thực hơn.
Chung qui, khi đọc tiểu thuyết cổ Trung Quốc cần đặt nó tronq phạm trù văn hóa Trung cổ để tiếp thu đưọc hết cái hay cái đẹp của tác phẩm, để những viên ngọc quí của văn học phương Đông có thể thực sự trở thành món ăn tinh thần bổ ích cho chúng ta.      
Tập sách nhỏ này sẽ giúp bạn đọc một cái nhìn tổng quát về tiểu thuyết cổ Trung Quốc (trong đó có những bộ được gọi là cổ điển như : Tam Quốc, Thủy Hử, Tây Du, Hồng Lâu Mộng với hàm nghĩa chuẩn mực) như một loại hình văn hóa Trung cổ (chương I và chương X) đồng thời có được những kiến thức cụ thể về các tác giả và các tác phẩm tiêu biểu rất quen thuộc với chúng ta (các chương còn lại). Một số bài viết đã in đầu các bộ truyện, nay sửa chữa bổ sung cho thích hợp với cơ cấu chung của tập sách. Mong muốn của tác giả là đưa đến cho bạn đọc rộng rãi một cuốn "Hướng dẫn đọc sách" gọn nhẹ và kịp thời để có thể phân biệt trắng đen thật giả trên thị trường tràn ngập sách báo hôm nay. Được như vậy là mãn nguyện, và càng mãn nguyện hơn nếu được bạn đọc góp cho những ý kiến phê bình, chỉ giáo.      
Hà Nội, ngày 15-8-1989
Lương Duy Thứ

MỤC LỤC.
Lời nói đầu.
I. Thời đại hoàng kim của tiểu thuyết.
II. Tam Quốc - lá cờ đầu của tiểu thuyết lịch sử.
III. Giá trị nhận thức của Thủy Hử.
IV. Tây Du - một tác phẩm lãng mạn độc đáo.
V. Đông Chu liệt quốc - kho tàng điển cổ văn chương.
VI. Liêu trai chí dị - một cá tính sáng tạo mới mẻ.
VII. Kim Bình Mai - một tác phẩm tả chân hiện thực.
VIII. Chuyện làng nho - một tác phẩm châm biếm sâu sắc.
IX. Hồng lâu mộng - thành tựu tiêu biểu của tiểu thuyết cổ điển.
X. Mấy vấn đề thi pháp tiểu thuyết chương hồi.
Thư mục sách tham khảo.

Tải về

http://www.mediafire.com/?lmjzimho1lu

Chia sẻ tới các bạn bởi Dulitruc